DÂY CHUYỀN SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP – LỰA CHỌN HÀNG ĐẦU CỦA DOANH NGHIỆP
Dây chuyền công nghiệp là tập hợp hệ thống máy móc và con người để tạo ra một quy trình sản xuất tuần tự cho một sản phẩm nào đó trong phân xưởng. Sau một loạt các quy trình khác nhau, các chi tiết máy, các linh kiện, bộ phận sẽ được lắp ráp lại thành một chỉnh thể, tạo thành một sản phẩm cuối cùng trước khi đưa vào tiêu thụ chính thức.
Các nguyên liệu đưa vào dây chuyền sản xuất công nghiệp thường ở dạng thô, đòi hỏi một chuỗi các quá trình gia công bài bản để các vật liệu này trở nên hữu ích trong sản xuất. Trong ngành công nghiệp kim loại, quy trình này bao gồm một số bước như: Nghiền, nấu chảy, tinh chế,..
Phân loại dây chuyền công nghiệp
Có nhiều loại dây chuyền công nghiệp khác nhau: Tuy nhiên, nếu xét về khả năng ổn định làm việc, dây chuyền sẽ được chia ra làm 2 loại là dây chuyền cố định và dây chuyền thay đổi.
- Dây chuyền cố định: chỉ có thể sản xuất một loại sản phẩm nhất định, quá trình không có sự thay đổi trong suốt một khoảng thời gian dài với khối lượng sản phẩm lớn. Trên dây chuyền này, mỗi một khu vực chỉ chuyên thực hiện một bước trong quá trình sản xuất sản phẩm. Đây là hình thức tối ưu khi áp dụng với các loại hình sản xuất có khối lượng đáng kể.
- Dây chuyền thay đổi khác với dây chuyền cố định ở chỗ, nó có khả năng điều chỉnh để tạo ra nhiều loại sản phẩm tương tự nhau mà không bị giới hạn ở một sản phẩm duy nhất. Quá trình sản xuất có thể được ngắt quãng giữa chừng để hệ thống đưa ra các điều chỉnh phù hợp. Loại hình dây chuyền này có thể áp dụng với cả sản xuất quy mô lớn và vừa.
Ta còn có thể phân chia các loại dây chuyền dựa vào khả năng làm việc liên tục trong một chu trình nhất định, đó là dây chuyền sản xuất liên tục và dây chuyền gián đoạn.
- Đầu tiên là dây chuyền sản xuất liên tục. Đặc điểm của loại dây chuyền này là mỗi chi tiết tham gia vào dây chuyền đều được vận chuyển một cách tuần tự từ nơi này qua nơi khác và không có thời gian nghỉ. Các chi tiết trên dây chuyền chỉ được phép tồn tại trong trạng thái đang vận chuyển hoặc đang chế biến. Thông thường tốc độ làm việc của toàn hệ thống dây chuyền sẽ tuân theo nhịp bắt buộc, tức là thời gian chế biến tại tất cả các khu làm việc đều bằng nhau.
- Khác với dây chuyền sản xuất liên tục, trong dây chuyền gián đoạn, nguyên vật liệu sau khi được vận chuyển có thời gian nghỉ để chờ chế biến. Dây chuyền gián đoạn hoạt động theo nhịp tự do. Phương tiện vận chuyển dùng trong loại dây chuyền này thường sẽ không có tính cưỡng bức (không phải băng lăn, mặt trượt,…).
Ngoài ra, dây chuyền công nghiệp còn có thể phân loại theo phạm vi ứng dụng: dây chuyền bộ phận, dây chuyền phân xưởng và dây chuyền toàn xưởng. Hình thức hiện đại, hoàn chỉnh và tối ưu nhất là dây chuyền tự động hóa toàn xưởng. Ở đó, các máy móc chế biến, vận chuyển liên kết chặt chẽ với nhau dưới sự điều hành của một trung tâm điều khiển chung.